Website hiện chỉ chia sẻ kiến thức và hỗ trợ dịch vụ, không hỗ trợ các vấn đề ngoài dịch vụ.

Follow Us

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

thumbnail

Bão Mirinae hướng vào đồng bằng Bắc Bộ

Bão Mirinae có xu hướng lệch nhiều về phía tây, dự kiến đi vào đồng bằng Bắc Bộ tối nay, gây mưa lớn với tổng lượng 100-200 mm. Hà Nội có khả năng ngập.

Vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), sáng nay bão Mirinae đã vào vịnh Bắc Bộ. Lúc 8h, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thái Bình - Ninh Bình 230 km về phía đông nam với sức gió mạnh nhất 90 km/h, tương đương cấp 8-9.
So với dự báo chiều qua, Mirinae có chút thay đổi về hướng, lệch nhiều về phía tây. Với tốc độ khoảng 15-20 km/h, đến 19h bão trên vùng biển các tỉnh Hải Phòng - Thanh Hóa và giữ nguyên cường độ. 
"Như vậy tối và đêm nay, vùng tâm bão sẽ đi vào đồng bằng Bắc Bộ, thay vì hướng lên Quảng Ninh - Hải Phòng, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định.
bao-mirinae-huong-vao-dong-bang-bac-bo
Bão số 1 khả năng sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: NCHMF.
Đến 7h sáng 28/7, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ, sức gió 40-50 km/h, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. 
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ có mưa to, với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-300 mm, có nơi trên 400 mm. Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng núi cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất; còn khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc đề phòng ngập úng ở vùng trũng.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sáng nay đã phát đi công điện khẩn yêu cầu các tỉnh ven biển từ Nam Định đến Quảng Ninh triển khai các công việc ứng phó với bão trước 12h ngày 27/7. Địa phương cần kêu gọi tàu thuyền hoạt động trong vịnh Bắc Bộ, hướng dẫn sắp xếp neo đậu an toàn cho phương tiện về bến, tổ chức sơ tán dân trên lồng bè, chòi canh.
Đối với trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương cần chủ động việc tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn cho diện tích hoa màu mới gieo trồng. Khu vực này cũng cần kiểm tra an toàn đập, vận hành cửa van, xả nước để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, đến 6h hôm nay đã thông báo, hướng dẫn neo đậu cho gần 62.000 tàu, lồng bè với hơn 270.000 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh và di chuyển vào bờ.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

thumbnail

Hơn 100 chuyến bay bị chậm vì tin tặc tấn công sân bay

Sân bay Nội Bài có hơn 30 chuyến, Tân Sơn Nhất có hơn 60 chuyến bay nội địa bị chậm từ 15 đến hơn 60 phút sau khi toàn bộ hệ thống mạng nội bộ bị cắt do tin tặc tấn công.

Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, sự cố tin tặc tấn công mạng tối 29/7 chỉ ảnh hưởng đến nhà ga quốc nội T1, ga quốc tế T2 sân bay Nội Bài vẫn hoạt động bình thường. Tối qua Nội Bài có 30 chuyến quốc nội cất cánh.
Sau khi hệ thống thông tin bị tấn công, nhà chức trách đã tắt toàn bộ mạng nội bộ, nhân viên phải làm check-in bằng tay thay vì máy. "Việc này khiến hơn 10 chuyến bay với khoảng 2.000 hành khách bị chậm 30-50 phút", vị này thông tin và cho hay trong nhiều chuyến cất cánh chậm còn do ảnh hưởng dây chuyền từ máy bay bị trễ tại phía đầu TP HCM.
Một lãnh đạo của Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, sau sự cố tối qua, sân bay Tân Sơn Nhất có 64 chuyến nội địa bị ảnh hưởng chậm chuyến, thời gian chậm lâu nhất là 30 phút.  
Trong thông cáo phát đi lúc 12h30 ngày 30/7, Cục Hàng không Việt Nam thông tin, sự cố đã khiến hơn 100 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó hàng chục chuyến bay bị chậm từ 15 phút cho đến hơn một tiếng. 
hon-100-chuyen-bay-bi-cham-vi-tin-tac-tan-cong-san-bay
Sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động bình thường. Ảnh: Quốc Thắng
Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài không ùn ứ
Sáng 30/7, các quầy làm thủ tục ở sảnh A, B của nhà ga T1 sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã khôi phục khoảng 50% số máy tính để thực hiện check-in điện tử. Hành khách không còn phải xếp hàng chờ đợi làm thủ tục lâu như tối qua. Tuy nhiên, tất cả bảng điện tử thông báo hành trình chuyến bay đi và đến ở sảnh A, B (của Vietnam Airline) và E (của Jestar và VietJet air) đều tối thui. Hệ thống loa phát thanh sân bay cũng chưa hoạt động trở lại.
Tại sảnh làm thủ tục, khoảng 50 người gồm nhân viên sây bay, hãng hàng không, sinh viên tình nguyện đứng ở cửa ra vào hướng dẫn. "Ngay khi vào cổng, tôi được hỏi tỉ mỉ đi chuyến nào, mấy giờ và được chỉ dẫn đến quầy làm thủ tục. Khi thắc mắc sao hôm nay được hướng dẫn tận tình, nhân viên an ninh giải thích do hệ thống thông tin bị trục trặc", hành khách Thành chuẩn bị bay vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết. 
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, sân bay Nội Bài sẽ cơ bản khôi phục lại toàn bộ hệ thống mạng trong hôm nay.
hon-100-chuyen-bay-bi-cham-vi-tin-tac-tan-cong-san-bay-1
Một nửa số quầy làm thủ tục ở sảnh A, B của nhà ga T1 sân bay Nội Bài đã hoạt động trở lại. Ảnh: Giang Huy.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, sáng 30/7, hệ thống bảng thông tin chỉ dẫn của tất cả hãng vẫn chưa hoạt động trở lại. Hàng chục nhân viên sân bay dùng loa tay, chia nhau ra hỏi thông tin, hướng dẫn hành khách nên không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Gia đình anh Tuấn (ngụ quận Bình Thạnh), đi chuyến TP HCM - Hà Nội lúc 12h nhưng đến sớm hơn 3 giờ để làm thủ tục. Tại đây, anh được nhân viên hãng tìm, hỏi thông tin sau đó hướng dẫn đến quầy làm thủ tục nhanh gọn.
"Nghe tin hôm qua sân bay bị tin tặc tấn công, hàng loạt chuyến bay bị trễ chuyến nên tôi đưa cả gia đình ra sớm tránh muộn giờ, cũng giảm áp lực cho các bạn nhân viên sân bay. Ra đây được hướng dẫn khá tận tình nên tôi làm thủ tục xong trước 2 tiếng", anh Tuấn chia sẻ.
Đến 12h trưa, tình trạng chậm, trễ chuyến hàng loạt như tối qua đã chấm dứt. Tại sân bay không còn cảnh hành khách vạ vật xếp hàng đợi chờ, sân bay thông thoáng và hoạt động như các ngày bình thường.
hon-100-chuyen-bay-bi-cham-vi-tin-tac-tan-cong-san-bay-2
Hành khách chờ làm thủ tục check-in sau sự cố tin tặc tấn công. Ảnh: Bá Đô.
Sự cố không uy hiếp đến an toàn bay
Cục Hàng không Việt Nam thông tin, 13h46 ngày 29/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hệ thống máy tính làm thủ tục hàng không của VietJet, Vietnam Airlines tại nhà ga quốc nội đã bị tấn công xâm nhập mạng phải dừng hoạt động. 
16h07 cùng ngày tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hệ thống thiết bị thông tin chuyên ngành hàng không (màn hình thông tin chuyến bay, màn hình máy tính phục vụ check-in tại quầy thủ tục của Vietnam Airlines, hệ thống phát thanh) tại nhà ga hành khách T1 cũng bị tấn công mạng phải dừng hoạt động. 
Các đơn vị phục vụ mặt đất đã nhanh chóng triển khai kế hoạch ứng phó, chuyển sang làm thủ tục thủ công cho hành khách và thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố, không làm gián đoạn hoạt động của các chuyến bay; đồng thời tăng cường các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không.
"Sự cố hoàn toàn không ảnh hưởng đến hệ thống điều hành bay, khai thác tàu bay, không uy hiếp đến an toàn bay. Tình hình hoạt động của các cảng hàng không khác diễn ra bình thường do đã chủ động triển khai biện pháp phòng ngừa", thông cáo của Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ.
Đề cập đến việc khắc phục hậu quả, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Nam cùng các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) và Cục An ninh mạng (A68) - Bộ Công an để phối hợp xử lý.
Cục Hàng không Việt Nam cũng phối hợp với Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chỉ đạo các cảng hàng không, cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát an ninh hàng không, đặc biệt là các khu vực có màn hình tivi; rà soát các khu vực nhạy cảm nhằm ngăn chặn vụ việc tương tự.
Giới chức Việt Nam chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về thủ phạm gây ra vụ tấn công vì "cần thời gian xác minh".

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

thumbnail

Ông Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu tái cử Thủ tướng

Theo Tờ trình dự kiến nhân sự Thủ tướng do Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày sáng 26/7, người duy nhất được giới thiệu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nhiệm kỳ 2011-2016) giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021.
Các đại biểu sẽ thảo luận ở đoàn. Chiều cùng ngày, Quốc hội bầu Thủ tướng bằng hình thức bỏ phiếu kín, tiếp đó người đứng đầu Chính phủ sẽ tuyên thệ nếu trúng cử.
ong-nguyen-xuan-phuc-duoc-gioi-thieu-tai-cu-thu-tuong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con dân tộc tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: L.H
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê xã Quế Phú (Quế Sơn, Quảng Nam), là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 11, 13.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó làm Chánh Văn phòng UBND tỉnh này.
Học xong quản lý hành chính nhà nước tại Học viện Hành chính quốc gia, ông Nguyễn Xuân Phúc về làm Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian này, ông tiếp tục học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.
Giai đoạn 1997-2009, ông Phúc làm Phó chủ tịch kiêm trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hai nhiệm kỳ 1999-2004 và 2004-2009.
Từ tháng 3/2006 đến 8/2007, ông Nguyễn Xuân Phúc từng là Phó tổng thanh tra Chính phủ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; từ tháng 8/2007 đến năm 2011 là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Đại hội Đảng lần thứ 11, ông được Ban chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011, ông được phê chuẩn làm Phó thủ tướng. Ngày 7/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá 13, ông được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng.
thumbnail

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Không để các nhóm lợi ích thao túng'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội khoá 14 bầu tái đắc cử người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 trong phiên làm việc chiều 26/7, với 485/489 đại biểu tham gia bỏ phiếu đồng ý (tỷ lệ 98,18%).
Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả, lễ tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra tại Hội trường Diên Hồng.
Tay trái đặt lên cuốn Hiến pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận lời tuyên thệ của người đứng đầu Chính phủ.
thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-khong-de-cac-nhom-loi-ich-thao-tung
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: Giang Huy.
Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng cho rằng, đất nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Ông cho rằng, Chính phủ sẽ phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phát triển tốc độ cao hơn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”, khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công... “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”, Thủ tướng nói.
Ông cũng đề cập đến việc bảo đảm các nguồn lực tiềm năng được sử dụng có hiệu quả. Thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần được phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng. 
Dẫn câu nói của Nguyễn Trãi “Nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu”, Thủ tướng cho rằng tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. "Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai".
Trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ đề cập đến sự kiện Formosa và khẳng định đây là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. “Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”, ông Phúc nói.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật… Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh.
"Chính phủ sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình”, Thủ tướng nhấn mạnh trong phần cuối bài phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê xã Quế Phú (Quế Sơn, Quảng Nam), là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 11, 13, 14. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó làm Chánh Văn phòng UBND tỉnh này.
Học xong quản lý hành chính nhà nước tại Học viện Hành chính quốc gia, ông Nguyễn Xuân Phúc về làm Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian này, ông tiếp tục học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.
Giai đoạn 1997-2009, ông Phúc làm Phó chủ tịch kiêm trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hai nhiệm kỳ 1999-2004 và 2004-2009.
Từ tháng 3/2006 đến 8/2007, ông Nguyễn Xuân Phúc từng là Phó tổng thanh tra Chính phủ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; từ tháng 8/2007 đến năm 2011 là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. 
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011, ông được phê chuẩn làm Phó thủ tướng. Ngày 7/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá 13, ông được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng.

About

ads
Adbox

@templatesyard